Quỹ quay vòng

Quỹ quay vòng là biện pháp tài trợ để lấp khoảng trống về vốn, trong đó thiết lập một quỹ tiền tự tái bổ sung bằng cách sử dụng lợi nhuận hoặc các khoản trả nợ vay từ các dự án đã được tài trợ trước đó để hỗ trợ các sáng kiến mới với số tiền tương đương.

Mô tả

Quỹ quay vòng là biện pháp tài trợ nhằm lấp đầy khoảng trống về vốn, bao gồm việc thiết lập một quỹ có khả năng tự tái bổ sung. Quỹ quay vòng chủ yếu do các cơ quan chính phủ cấp tiểu bang và liên bang hoặc các tổ chức quốc tế như UN-Habitat quản lý.

Quỹ quay vòng hoạt động bằng cách sử dụng lợi nhuận hoặc các khoản hoàn trả nợ vay từ các dự án đã tài trợ trước đó để hỗ trợ các sáng kiến mới với số tiền tương đương. Các quỹ này có thể được sử dụng để cung cấp các khoản vay ưu đãi, bảo lãnh hoặc đầu tư vốn cổ phần cho nhiều dự án thành phố thông minh, từ các dự án nâng cao hiệu quả năng lượng đến hiện đại hóa các cơ sở công cộng, các dự án cải thiện công tác quản lý chất thải và nước đến việc tài trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Mục tiêu và cơ cấu của quỹ quay vòng tương đối linh hoạt. Quỹ có thể được thành lập để phục vụ một mục đích duy nhất trong một khoảng thời gian nhất định và sau đó sẽ kết thúc, hoặc có thể được thành lập để hoạt động vô thời hạn nhằm giải quyết một vấn đề đang diễn ra. Vốn góp ban đầu của quỹ quay vòng thường có giá trị tương đương với một khoản tài trợ do không cần phải hoàn trả, đồng thời nguồn vốn này có thể đến từ sự kết hợp của các nguồn công như chính quyền địa phương, tiểu bang hoặc liên bang và các tổ chức phát triển hoặc các tổ chức tài trợ.

Điều kiện Cho phép và Mối quan tâm Chính

  • Thiết lập các tiêu chí hội đủ điều kiện và phân bổ. Việc thiết lập mục đích của quỹ quay vòng, bao gồm đặt ra các tiêu chí hội đủ điều kiện cho bên đi vay, số tiền tối thiểu và tối đa có thể vay, phạm vi sử dụng quỹ, thành lập ủy ban xem duyệt đơn và xác định các nhiệm vụ hành chính cũng như nhu cầu thuê ngoài nhân sự liên quan đến chương trình, là một vài yêu cầu cơ bản để thành lập một quỹ quay vòng. Việc tạo một biểu mẫu hoặc danh sách kiểm tra trước khi nộp đơn có thể hỗ trợ bên đi vay tiềm năng đánh giá khả năng hội đủ điều kiện và loại bỏ những đơn không đạt yêu cầu.
  • Thực thi các cơ chế hoàn trả. Để đảm bảo tính bền vững của quỹ, cả bên đi vay và bên quản lý quỹ đều cần phải nắm rõ và tuân thủ các điều khoản hoàn trả được quy định trong hợp đồng. Trong trường hợp bên đi vay có nguy cơ vỡ nợ cao, bên quản lý quỹ có thể cần phải triển khai các kế hoạch hành động khắc phục để đảm bảo rằng khoản vay sẽ được hoàn trả. Điều quan trọng là các tiêu chí hoàn trả phải được thực thi một cách công bằng và nhất quán. 
  • Các yêu cầu báo cáo nhằm đảm bảo tính minh bạch. Việc báo cáo chính xác và kịp thời giúp các bên liên quan đánh giá đúng mức độ hiệu quả của quỹ. Bằng cách này, các bên liên quan sẽ thu được những thông tin chi tiết về tình hình tài chính, tác động của quỹ, mức độ tuân thủ các tiêu chí hội đủ điều kiện và điều kiện hoàn trả, cũng như các lĩnh vực đạt kết quả tốt và những lĩnh vực cần cải thiện, từ đó nâng cao tính bền vững của quỹ.

Thách thức tiềm ẩn

  • Thiếu kinh nghiệm trong việc triển khai cơ chế quỹ quay vòng. Một thách thức lớn đối với các quan chức chính phủ khi muốn sử dụng quỹ quay vòng để tài trợ cho các dự án thành phố thông minh có thể là vấn đề thiếu kinh nghiệm trong công tác thiết kế, triển khai và giám sát cơ chế này. Quỹ quay vòng, vốn dĩ là hình thức tái sử dụng các nguồn lực để tài trợ cho dự án mới khi các khoản vay cũ được hoàn trả, đòi hỏi phải có sự am hiểu sâu sắc về quản lý tài chính, đánh giá rủi ro và đảm bảo sự phù hợp của dự án. Nếu không có đủ kinh nghiệm, các quan chức có thể gặp khó khăn trong việc thiết kế cơ cấu quỹ hiệu quả, lựa chọn các dự án khả thi và quản lý nguồn lực của quỹ một cách hiệu quả, dẫn đến hiệu quả hoạt động của quỹ bị giảm sút.
  • Nguy cơ hiệu quả hoạt động của quỹ quay vòng thấp. Việc phân bổ nguồn lực không hợp lý và hỗ trợ các sáng kiến không phù hợp với mục tiêu của quỹ có thể có thể hạn chế khả năng tối đa hóa tác động và duy trì hỗ trợ liên tục của quỹ. Điều này không chỉ gây sụt giảm hiệu quả của quỹ mà còn làm mất đi cơ hội phân bổ nguồn lực vào các dự án có khả năng sinh lợi cao hơn. Vấn đề này có thể phát sinh từ nhiều yếu tố cơ bản, bao gồm việc lập kế hoạch và đặt mục tiêu không thỏa đáng, giám sát và theo dõi không sát sao, quản lý rủi ro kém, cũng như tình trạng kém hiệu quả trong bộ máy quan liêu, cùng các yếu tố khác.
  • Nguy cơ các chuẩn mực báo cáo và kế toán không đồng nhất. Một thách thức chính khi quản lý quỹ quay vòng là sự không đồng nhất trong báo cáo. Khi các bên liên quan và bên thụ hưởng của dự án cung cấp các báo cáo khác nhau hoặc không nhất quán, điều này sẽ khiến quá trình giám sát và đánh giá của quỹ trở nên phức tạp. Nếu không có các định dạng báo cáo được chuẩn hóa, bên quản lý quỹ có thể gặp khó khăn trong việc so sánh chính xác giữa các dự án, đánh giá hiệu suất tổng thể cũng như xác định các lĩnh vực cần cải thiện. Thiết lập các chuẩn mực báo cáo đồng nhất là yếu tố thiết yếu để tinh giản quá trình thu thập dữ liệu, nâng cao tính minh bạch và tạo điều kiện thuận lợi để phân tích toàn diện và nhất quán về hoạt động của quỹ.
  • Khó khăn tiềm ẩn trong việc tiến hành giám sát hiệu quả.  Để đảm bảo các quỹ đã phân bổ được sử dụng theo đúng kế hoạch đã định trước, cần phải giám sát liên tục. Các thách thức có thể xuất phát từ việc thời gian thực hiện dự án thay đổi, chi phí phát sinh ngoài dự kiến hoặc các thay đổi về phạm vi dự án, khiến việc duy trì theo dõi tình hình sử dụng vốn theo thời gian thực trở nên khó khăn. Để giám sát hiệu quả, cần phải có một hệ thống mạnh mẽ có khả năng theo dõi chi tiêu, xác nhận các mốc quan trọng của dự án và nhanh chóng xử lý các sai lệch, điều mà các quan chức khó có thể thực hiện được do thiếu kinh nghiệm trong việc vận hành các cơ chế quỹ quay vòng.

Lợi ích tiềm năng

  • Nguồn tài chính tự duy trì. Quỹ quay vòng được thiết kế để có thể tự duy trì. Khi quỹ được sử dụng cho các dự án hoặc sáng kiến tạo ra lợi nhuận hoặc khoản hoàn trả, điều này đảm bảo rằng luôn có một nguồn quỹ hoạt động liên tục trong cơ cấu. Khi được quản lý đúng cách, quỹ quay vòng sẽ giúp giảm sự phụ thuộc vào các khoản trợ cấp hoặc phân bổ tài trợ một lần từ các nhà tài trợ.
  • Tiếp cận các nguồn vốn linh hoạt. Quỹ cho vay quay vòng cho phép tiếp cận nguồn vốn linh hoạt và có thể kết hợp với các nguồn vốn thông thường khác. Quỹ này có thể được thành lập để hỗ trợ các mục tiêu và dự án khác nhau. Ngoài ra, khi quỹ tăng trưởng nhờ các khoản hoàn trả, quỹ có thể được phân bổ vào các cơ hội mới hoặc tiềm năng.

Nguồn/Thông tin bổ sung

Case Study

Scroll to Top