Mô tả
Quỹ phát triển khu vực là các cơ chế tài chính nhằm thúc đẩy chất lượng cuộc sống cao, nền kinh tế cạnh tranh và môi trường bền vững thông qua việc hỗ trợ các sáng kiến thành phố thông minh. Nguồn quỹ này đến từ các chính phủ, các tổ chức phát triển quốc tế và nhà đầu tư từ khu vực tư nhân. Một số ví dụ bao gồm Quỹ Tín thác Đô thị Thông minh Úc – ASEAN (AASCTF), Quỹ Đổi mới kinh doanh Thành phố thông minh Quan hệ đối tác Mỹ-ASEAN, và Quỹ Phát triển Cơ sở hạ tầng Khu vực của Ngân hàng Thế giới. Các quỹ này thường hỗ trợ các chính quyền/các thành phố cấp dưới trong việc chuẩn bị và thực hiện dự án, tài trợ và phát triển năng lực liên quan, tập trung vào các kết quả có thể đạt được cũng như phát triển toàn diện và bền vững.
Điều kiện Cho phép và Mối quan tâm Chính
- Phù hợp với mục tiêu của quỹ. Các dự án phải tìm kiếm nguồn tài trợ phù hợp chặt chẽ với các mục tiêu và ưu tiên cụ thể của từng quỹ. Điều này đòi hỏi phải hiểu rõ các lĩnh vực trọng tâm, khu vực mục tiêu và kết quả mong muốn của quỹ.
- Tác động đến khía cạnh kinh tế xã hội và môi trường. Các dự án cần phải chứng minh được các lợi ích rõ ràng về mặt kinh tế – xã hội và môi trường, ví dụ như tạo công ăn việc làm, cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ, giảm lượng khí thải carbon và tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu. Cần tích hợp khung và số liệu đánh giá tác động vào quá trình lập kế hoạch và thực hiện dự án.
- Tính khả thi và bền vững về mặt tài chính. Các đề xuất cần hoạch định rõ một kế hoạch tài chính chi tiết, bao gồm ước tính chi phí, nguồn tài trợ, cơ chế tạo doanh thu và các chiến lược để duy trì tính bền vững lâu dài sau khi kết thúc giai đoạn tài trợ. Tính khả thi tài chính là yếu tố quan trọng để thu hút đầu tư và đảm bảo tính liên tục của dự án.
Thách thức tiềm ẩn
- Quá trình tiếp cận nguồn tài trợ thường mang tính cạnh tranh. Cuộc cạnh tranh giành quỹ phát triển khu vực diễn ra gay gắt, nhiều bên liên quan tham gia cạnh tranh vì một nguồn đầu tư hạn chế. Để đảm bảo nguồn vốn tài trợ thì cần phải nộp các đề xuất chất lượng cao, nêu rõ mục tiêu, kết quả và tác động của dự án, chính những yếu tố này đã gây ra nhiều trở ngại cho những bên đề nghị vay vốn khi cạnh tranh với những bên khác.
- Quá trình nộp đơn và phê duyệt có thể mất nhiều thời gian. Quá trình nộp đơn có thể mất nhiều thời gian, mang tính quan liêu và phức tạp. Quy trình có nhiều giai đoạn phê duyệt, yêu cầu tuân thủ và thủ tục tài liệu có thể gây ra nhiều trở ngại cho các bên đề nghị vay vốn, đặc biệt là đối với những tổ chức nhỏ hoặc các cơ quan chính phủ địa phương có ít nguồn lực và chuyên môn hạn chế.
- Người nhận có thể sẽ đối mặt với nhiều khó khăn để đáp ứng được các tiêu chuẩn giám sát và đánh giá. Các bên nhận tài trợ có thể phải tuân thủ các yêu cầu báo cáo và giải trình nghiêm ngặt. Quy trình giám sát và đánh giá tiến độ, kết quả và tác động của các dự án được tài trợ đòi hỏi nhà thầu phải có đủ nguồn lực, chuyên môn và cơ chế thu thập dữ liệu. Khả năng giám sát, sự sẵn có của dữ liệu và khung đánh giá còn nhiều hạn chế có thể làm giảm khả năng đánh giá hiệu quả dự án và đưa ra quyết định sáng suốt cho các quyết định phân bổ vốn trong tương lai.
- Rào cản chính sách và quy định. Các rào cản chính sách và quy định, bao gồm khung pháp lý, quy trình đấu thầu và các trở ngại hành chính, có thể cản trở việc phân bổ và triển khai kịp thời các dự án được tài trợ. Các quy định không đồng nhất giữa các khu vực pháp lý hoặc các ưu tiên mâu thuẫn giữa các quốc gia tham gia có thể làm gia tăng thêm những thách thức này.
Lợi ích tiềm năng
- Hỗ trợ trên phạm vi rộng cho cơ sở hạ tầng quan trọng. Những quỹ này cung cấp các nguồn tài chính có vai trò cực kỳ cần thiết để hỗ trợ phát triển các thành phố thông minh và các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng trong các quốc gia thành viên ASEAN. Quỹ có thể được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, bao gồm phát triển cơ sở hạ tầng, áp dụng công nghệ, nâng cao năng lực và cải cách chính sách.
- Hỗ trợ chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo. Các quỹ phát triển khu vực tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao công nghệ tiên tiến và các giải pháp đổi mới đến các quốc gia thành viên ASEAN. Thông qua hỗ trợ các dự án áp dụng các công nghệ tiên tiến như IoT, AI và năng lượng tái tạo, các quỹ này góp phần đẩy nhanh đổi mới công nghệ và chuyển đổi số ở các khu vực đô thị.
- Thúc đẩy phát triển bền vững. Các dự án nhận được khoản tài trợ từ quỹ phát triển khu vực có thể thúc đẩy các hoạt động phát triển bền vững ở các quốc gia thành viên ASEAN. Trong đó bao gồm đầu tư vào cơ sở hạ tầng xanh, các tòa nhà tiết kiệm năng lượng, hệ thống giao thông bền vững và quy hoạch đô thị chống chịu với biến đổi khí hậu, góp phần bảo vệ môi trường và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Nguồn/Thông tin bổ sung
- Ngân hàng Thế giới (WB) (2020). Các dự án nhượng quyền Xây dựng-Vận hành-Chuyển giao (BOT) và Thiết kế-Xây dựng-Vận hành (DBO). Có sẵn tại: https://ppp.worldbank.org/public-private-partnership/agreements/concessions-bots-dbos
- Thomson Reuters (2024). Nhượng quyền. Có sẵn tại: https://content.next.westlaw.com/Glossary/PracticalLaw/I1c635e3fef2811e28578f7ccc38dcbee?transitionType=Default&contextData=(sc.Default)
- Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) (n.d.). Sổ tay quan hệ đối tác công-tư (PPP). Có sẵn tại: https://www.adb.org/sites/default/files/institutional-document/31484/public-private-partnership.pdf
- Quỹ Tư vấn Cơ sở hạ tầng nhà nước – tư nhân (PPIAF) (2008). Liệu các dự án nhượng quyền đối với công trình cải tạo (brownfield) có thể quay trở lại hoạt động không? Có sẵn tại: https://www.ppiaf.org/sites/default/files/documents/2008-01/Gridlines-32-Brownfield_20Concessions_20-_20JLeigland.pdf
- Ngân hàng Phát triển Châu Á (2020). Quỹ Tín thác Đô thị Thông minh Úc – ASEAN (AASCTF) Có sẵn tại: https://www.adb.org/sites/default/files/institutional-document/729721/aasctf-annual-progress-report-2020.pdf
- Quan hệ đối tác thành phố thông minh Hoa Kỳ-ASEAN (n.d.). Quỹ Đổi mới kinh doanh Thành phố thông minh. Có sẵn tại: https://www.usascp.org/programs/climate-finance/
- Ngân hàng Thế giới (n.d.). Quỹ Phát triển Cơ sở hạ tầng Khu vực. Có sẵn tại: https://projects.worldbank.org/en/projects-operations/project-detail/P154947