Mô tả
Hợp tác Đối tác Công Tư (PPP) là hợp đồng dài hạn giữa một cơ quan chính phủ và một cơ quan tư nhân nhằm cung cấp dịch vụ hoặc tài sản mang lại lợi ích công, trong đó bên tư nhân chịu một phần rủi ro và trách nhiệm. PPP có thể thu hút các chính phủ do ưu thế có thể chuyển chi phí trả trước cho các đối tác tư nhân, tận dụng chuyên môn từ bên ngoài và mở ra các lựa chọn tài chính mới.
Thiết kế-Xây dựng-Vận hành (DBO) là một loại mô hình PPP, trong đó một nhà thầu tư nhân được giao nhiệm vụ thiết kế, xây dựng và vận hành cơ sở trên cơ sở là bên chịu trách nhiệm toàn bộ cho dự án. Khu vực công tài trợ cho cơ sở mới và sở hữu các tài sản được tạo ra. Thông qua thu mua thiết kế, xây dựng và vận hành trên cơ sở một hợp đồng duy nhất, chính phủ có thể giảm thiểu rủi ro phát sinh vấn đề giữa các bên và nâng cao động lực nhằm đổi mới, tiết kiệm chi phí và tạo ra sản phẩm chất lượng như mong đợi.
Mô hình DBO là một hợp đồng xác lập dựa trên kết quả đầu ra, trong đó nhà thầu chịu trách nhiệm đáp ứng các kết quả đầu ra của hợp đồng. Các hợp đồng DBO thường là các hợp đồng trung hạn đến dài hạn, thời gian cung cấp dịch vụ vận hành là từ 15-20 năm. Hợp đồng DBO thường phù hợp cho các dự án xây dựng mới và/hoặc các dự án phức tạp đòi hỏi mức độ chuyên môn kỹ thuật cao
Điều kiện Cho phép và Mối quan tâm Chính
- Khung pháp lý và quy định đối với PPP. Một môi trường pháp lý và quy định chặt chẽ tại quốc gia thực hiện dự án có vai trò rất quan trọng để xác lập cơ cấu dự án PPP, bao gồm cả các dự án DBO. Khung pháp lý này nên xác định quyền đầu tư của khu vực tư nhân, đảm bảo quá trình đấu thầu minh bạch, phác thảo quy trình trọng tài và thiết lập các biện pháp xử lý trong trường hợp phá sản hoặc mất khả năng thanh toán. Cần phân định rõ ràng năng lực thực thi giữa các cơ quan. Khung pháp lý không chỉ tạo ra cơ hội kinh doanh cho các nhà đầu tư tư nhân mà còn ảnh hưởng đến tốc độ giao dịch, quyết định giá cả và sự chắc chắn về mặt pháp lý trong các thỏa thuận hợp đồng cũng như việc thực thi pháp quyền.
- Chuyên môn của khu vực công trong thiết kế và triển khai. Việc triển khai thành công mô hình hợp tác công tư (PPP) phụ thuộc vào một khung thể chế hiệu quả, phân định rõ ràng vai trò và trách nhiệm giữa các bộ và cơ quan điều phối. Điều này giúp nâng cao hiệu quả và đảm bảo thực thi hiệu quả các thỏa thuận PPP, thúc đẩy sự thành công và bền vững chung của các dự án hợp tác giữa khu vực công và tư nhân.
- Nhà cung cấp khu vực tư nhân có năng lực. PPP chỉ có thể thành công nếu khu vực tư nhân có khả năng tạo ra thêm giá trị trong việc cung cấp các dịch vụ công. Do đó, PPP chỉ nên áp dụng cho các dự án có khu vực tư nhân đủ năng lực để đáp ứng các tiêu chuẩn dịch vụ của chính phủ hoặc công chúng. Điều này đặc biệt quan trọng trong mô hình DBO, khi chỉ có một nhà thầu tư nhân duy nhất chịu trách nhiệm triển khai dự án trên tất cả các giai đoạn từ thiết kế, xây dựng đến vận hành.
Thách thức tiềm ẩn
- Khu vực công thiếu năng lực để triển khai khuôn khổ PPP. Khu vực công thiếu năng lực trong việc xây dựng chính sách và quản lý quy định có thể cản trở việc tạo ra khung pháp lý/quy định PPP vững chắc và làm giảm sự tham gia của khu vực tư nhân. Bên cạnh đó, khu vực công thiếu năng lực lập kế hoạch và quản lý các dự án PPP nên các hợp đồng có cơ cấu thiếu hiệu quả, phân bổ rủi ro không rõ ràng và làm giảm sức hút đối với nhà đầu tư tư nhân. Đặc biệt, các dự án DBO cần có chuyên gia từ khu vực công trong suốt các giai đoạn thiết kế, xây dựng và vận hành để đảm bảo triển khai PPP thành công và bền vững.
- Khu vực tư nhân thiếu năng lực để quản lý các giai đoạn của dự án. Việc khu vực tư nhân thiếu năng lực có thể gây ra nhiều thách thức cho các nhà thầu trong việc tuân thủ các khung pháp lý và quy định, dẫn đến tình trạng tắc nghẽn và trì hoãn trong việc triển khai dự án.Đối với mô hình DBO, vấn đề này đặc biệt đáng chú ý khi chỉ có một nhà thầu duy nhất chịu trách nhiệm quản lý tất cả các giai đoạn của dự án, nhấn mạnh nhu cầu rằng khu vực tư nhân phải có đủ năng lực để triển khai thành công các dự án.
- Tiềm ẩn nguy cơ gián đoạn dịch vụ. Nếu nhà thầu gặp khó khăn về tài chính trong quá trình thực hiện hợp đồng, khả năng duy trì dịch vụ có thể bị ảnh hưởng nếu chính phủ/các nhà cung cấp tư nhân thay thế không thể tiếp quản và tiếp tục cung cấp dịch vụ. Thách thức này có liên quan chặt chẽ đến các dự án DBO khi chỉ có một nhà thầu duy nhất chịu trách nhiệm cho tất cả các giai đoạn của dự án, làm tăng nguy cơ gián đoạn dịch vụ nếu phát sinh khó khăn về tài chính.
- Yêu cầu một lượng vốn đầu tư lớn hơn so với khi sử dụng các phương pháp đấu thầu khác. Do dự án có tính chất dài hạn, nhà thầu có thể tăng giá thầu để bù đắp cho những rủi ro tiềm ẩn. Do đó, các hợp đồng DBO có thể gây tốn kém nhiều hơn so với ban đầu và cần có mức đầu tư vốn lớn hơn từ chính phủ so với các phương pháp đấu thầu khác (ví dụ, các mô hình PPP bằng hình thức nhượng quyền).
- Hợp đồng dài hạn không linh hoạt. Hợp đồng DBO thường được coi là hợp đồng giá cố định giữa chính phủ và đối tác khu vực tư nhân, có nghĩa là bất kỳ thay đổi hay điều chỉnh nào đều cần sự đồng thuận từ cả hai bên. Điều này có thể khiến nhà thầu không linh hoạt trong việc xử lý các sự kiện không lường trước, như thay đổi trong nhu cầu công cộng hoặc tiến bộ công nghệ, nếu hợp đồng DBO không có các điều khoản điều chỉnh.
Lợi ích tiềm năng
- Hiệu quả tiềm năng về chi phí cho dự án. Các nhà thầu khu vực tư nhân, được giao nhiệm vụ giám sát các giai đoạn khác nhau của dự án như thiết kế, xây dựng, bảo trì và vận hành, có động lực để tối ưu hóa chi phí vòng đời cho hiệu quả chi phí dài hạn. Điều này mang lại giá trị cao hơn cho khu vực công vì các nhà cung cấp tư nhân ưu tiên duy trì tiêu chuẩn chất lượng cao, đồng thời giảm thiểu chi phí vòng đời. Điều này đặc biệt quan trọng trong các dự án DBO khi nhà thầu được khuyến khích phát triển dự án có hiệu suất dài hạn ngay từ đầu thay vì chỉ thiết kế để đạt yêu cầu và vượt qua các bài kiểm tra khi hoàn thành vì nhà thầu sẽ chịu trách nhiệm cho các hóa đơn vận hành, bảo trì hoặc sửa chữa có chi phí cao.
- Các nhà thầu khu vực tư nhân được khuyến khích để tạo ra kết quả tối ưu. Các nhà thầu khu vực tư nhân được khuyến khích tạo ra kết quả tối ưu, tìm ra cách đáp ứng và vượt mục tiêu hiệu suất trong các giai đoạn dự án khác nhau. Từ đó giúp nâng cao chất lượng dịch vụ, hoàn thành dự án đúng thời hạn và quản lý hiệu quả tài sản công trong dài hạn, cuối cùng là mang lại lợi ích cho cả khu vực công và người sử dụng cuối. Đặc biệt, các dự án DBO thể hiện rõ lợi thế về hiệu suất của các dự án PPP vì chỉ có một tổ chức duy nhất giám sát toàn bộ vòng đời dự án, nhờ đó tăng cường tính nhất quán, trách nhiệm giải trình và tạo ra kết quả tối ưu.
- Chính phủ kiểm soát tiến độ của dự án chặt chẽ hơn. Trong dự án DBO, chính phủ có nhiều quyền kiểm soát hơn đối với tiến độ thực hiện của dự án vì họ giữ quyền sở hữu tài sản và chỉ có một bên chịu trách nhiệm duy nhất (giảm rủi ro khi phối hợp làm việc giữa các giai đoạn thiết kế-xây dựng và vận hành). Điều này giúp đảm bảo rằng các dự án được hoàn thành đúng thời hạn và trong phạm vi ngân sách đã thỏa thuận. Ngoài ra, khi cần, còn giúp thực hiện các thay đổi đối với dự án linh hoạt ơn.
- Mô hình DBO cho phép xác định sớm các chi phí vốn và chi phí vận hành định kỳ. Mô hình DBO thường có nguồn ngân sách khá ổn định (cả vốn và chi phí vận hành định kỳ) ở giai đoạn đầu, đồng thời giảm thiểu rủi ro bên thu mua chi tiêu vượt mức do mô hình DBO cho phép xác định sớm các chi phí vốn và chi phí vận hành định kỳ.
Nguồn/Thông tin bổ sung
- Liên minh lãnh đạo tài chính khí hậu giữa các thành phố (n.d.). Các dự án nhượng quyền Xây dựng-Vận hành-Chuyển giao (BOT) và Thiết kế-Xây dựng-Vận hành (DBO). Có sẵn tại: https://citiesclimatefinance.org/financial-instruments/instruments/concessions_build-operate-transfer_bot_and_design-build-operate_dbo_projects_/
- Ngân hàng Thế giới (WB) (2022). Các dự án nhượng quyền Xây dựng-Vận hành-Chuyển giao (BOT) và Thiết kế-Xây dựng-Vận hành (DBO). Có sẵn tại: https://ppp.worldbank.org/public-private-partnership/agreements/concessions-bots-dbos
- Ngân hàng Nhà nước Pakistan (SBP) (n.d.). Phiên họp toàn thể lần thứ 4: Các yêu cầu để tạo ra một chương trình PPP thành công. Có sẵn tại: https://www.sbp.org.pk/departments/ihfd/days/Day1-05-P4.pdf
- Bộ Tài chính (2018). Sổ tay quan hệ đối tác công tư phiên bản 2. Có sẵn tại: https://www.mof.gov.sg/docs/default-source/policies/procurementprocess/ppphandbook2012.pdf
- Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (2005). Quan hệ đối tác công tư nhằm thúc đẩy đầu tư vào ngành du lịch trong khu vực các quốc giá thuộc APEC. Có sẵn tại: https://www.apec.org/docs/default-source/publications/2005/3/public-and-private-partnership-for-facilitating-tourism-investment-in-the-apec-region-march-2005/05_twg_pppinvestm.pdf