Mô tả
Hợp tác Đối tác Công Tư (PPP) là hợp đồng dài hạn giữa một cơ quan chính phủ và một cơ quan tư nhân nhằm cung cấp dịch vụ hoặc tài sản mang lại lợi ích công, trong đó bên tư nhân chịu một phần rủi ro và trách nhiệm. PPP có thể thu hút các chính phủ do ưu thế có thể chuyển chi phí trả trước cho các đối tác tư nhân, tận dụng chuyên môn từ bên ngoài và mở ra các lựa chọn tài chính mới.
Nhượng quyền là một loại mô hình hợp tác công tư (PPP), khi đó nhà điều hành tư nhân (bên nhận nhượng quyền) chịu trách nhiệm hoàn toàn về việc cung cấp dịch vụ trong một khu vực cụ thể, bao gồm xây dựng, vận hành, bảo trì, quản lý và tu tạo hệ thống. Nhà điều hành sẽ chịu trách nhiệm cho toàn bộ vốn đầu tư cần thiết để xây dựng, nâng cấp hoặc mở rộng hệ thống. Mặc dù nhà điều hành tư nhân chịu trách nhiệm cung cấp các tài sản, nhưng trong suốt thời gian nhượng quyền, các tài sản này vẫn thuộc sở hữu công. Khu vực công chịu trách nhiệm thiết lập các tiêu chuẩn thực hiện và đảm bảo rằng bên nhận nhượng quyền đáp ứng được các tiêu chuẩn này.
Bên nhận nhượng quyền sẽ thu phí trực tiếp từ người sử dụng hệ thống và hợp đồng nhượng quyền thường có thời hạn 25–30 năm để nhà điều hành có đủ thời gian thu hồi vốn đầu tư. Cơ quan công quyền có thể đóng góp vào chi phí đầu tư thông qua một khoản “trợ cấp” đầu tư (vốn nhà nước hỗ trợ nhằm tăng tính khả thi) để đảm bảo tính khả thi về mặt thương mại của quá trình nhượng quyền. Chính phủ sẽ nhận được một phần từ số tiền thuế thu được từ khoản đầu tư kia.
Nhượng quyền là hợp đồng xác lập dựa trên kết quả đầu ra, trong đó nhà thầu chịu trách nhiệm đáp ứng các kết quả đầu ra của hợp đồng. Mặc dù nhượng quyền có thể được áp dụng cho cả dự án mới (greenfield) và dự án cải tạo (brownfield), nhưng chủ yếu được sử dụng trong các dự án mới do rủi ro về dòng tiền cao hơn và các vấn đề lợi nhuận trong các dự án nhượng quyền cũ.
Điều kiện Cho phép và Mối quan tâm Chính
- Khung pháp lý và quy định đối với PPP. Môi trường pháp lý và quy định chặt chẽ tại quốc gia thực hiện dự án có vai trò rất quan trọng để xác lập cơ cấu dự án PPP, bao gồm cả các dự án BOT. Khung pháp lý này nên xác định quyền đầu tư của khu vực tư nhân, đảm bảo quá trình đấu thầu minh bạch, phác thảo quy trình trọng tài và thiết lập các biện pháp xử lý trong trường hợp phá sản hoặc mất khả năng thanh toán. Cần phân định rõ ràng năng lực thực thi giữa các cơ quan. Khung pháp lý không chỉ tạo ra cơ hội kinh doanh cho các nhà đầu tư tư nhân mà còn ảnh hưởng đến tốc độ giao dịch, quyết định giá cả và sự chắc chắn về mặt pháp lý trong các thỏa thuận hợp đồng cũng như việc thực thi pháp quyền.
- Chuyên môn của khu vực công trong thiết kế và triển khai. Việc triển khai thành công mô hình hợp tác công tư (PPP) phụ thuộc vào một khung thể chế hiệu quả, phân định rõ ràng vai trò và trách nhiệm giữa các bộ và cơ quan điều phối. Điều này giúp nâng cao hiệu quả và đảm bảo thực thi hiệu quả các thỏa thuận PPP, thúc đẩy sự thành công và bền vững chung của các dự án hợp tác giữa khu vực công và tư nhân.
- Nhà cung cấp khu vực tư nhân có năng lực. PPP chỉ có thể thành công nếu khu vực tư nhân có khả năng tạo ra thêm giá trị trong việc cung cấp các dịch vụ công. Do đó, mô hình PPP chỉ nên áp dụng cho các dự án có khu vực tư nhân có năng lực để đáp ứng các tiêu chuẩn dịch vụ của chính phủ hoặc công chúng. Điều này đặc biệt quan trọng trong mô hình nhượng quyền khi thực thể vận hành của khu vực tư nhân cần phải đảm bảo quản lý hiệu quả và vận hành bền vững cơ sở hạ tầng trong một khoảng thời gian dài từ 25-30 năm
Thách thức tiềm ẩn
- Khu vực công thiếu năng lực để xây dựng và triển khai khuôn khổ PPP. Khu vực công thiếu năng lực trong việc xây dựng chính sách và quản lý quy định có thể cản trở việc tạo ra khung pháp lý hoặc quy định PPP vững chắc và làm giảm sự tham gia và nguồn đầu tư của khu vực tư nhân. Bên cạnh đó, khu vực công thiếu năng lực lập kế hoạch và quản lý các dự án PPP nên các hợp đồng có cơ cấu thiếu hiệu quả, phân bổ rủi ro không rõ ràng và làm giảm sức hút đối với nhà đầu tư tư nhân. Đặc biệt, các dự án chuyển nhượng quyền khai thác đòi hỏi mức độ chuyên môn cao và sự giám sát chặt chẽ từ khu vực công trong việc thiết kế hợp đồng, quản lý rủi ro, đàm phán với nhà điều hành khu vực tư để đảm bảo dự án phù hợp với lợi ích công.
- Khu vực tư thiếu năng lực cho các nhà thầu tham gia vào PPP. Việc khu vực tư nhân thiếu năng lực có thể gây ra nhiều thách thức cho các nhà thầu trong việc tuân thủ các khung pháp lý và quy định, dẫn đến tình trạng tắc nghẽn và trì hoãn trong việc triển khai dự án.Vấn đề này đặc biệt quan trọng trong các dự án chuyển nhượng quyền khai thác, nơi nhà điều hành giám sát toàn bộ vòng đời dự án có thể không đáp ứng được các nghĩa vụ hợp đồng và quy định, gây chậm trễ trong việc xây dựng và vận hành tiện ích/cơ sở hạ tầng. Các dự án chuyển nhượng quyền khai thác có thể gặp khó khăn trong việc tạo ra sự cạnh tranh mạnh mẽ do số lượng nhà điều hành đủ điều kiện cho các mạng lưới hạ tầng lớn còn hạn chế, có thể gây ảnh hưởng đến lợi ích từ sự cạnh tranh của thị trường.
- Nguy cơ gián đoạn dịch vụ do các thách thức tài chính mà nhà thầu phải đối mặt. Nếu nhà thầu gặp khó khăn về tài chính trong quá trình thực hiện hợp đồng, khả năng duy trì dịch vụ có thể bị ảnh hưởng nếu chính phủ/các nhà cung cấp tư nhân thay thế không thể tiếp quản và tiếp tục cung cấp dịch vụ. Thách thức này có mối liên hệ chặt chẽ với các dự án nhượng quyền khi chi phí thay đổi nhà điều hành cao do tính phức tạp của việc chuyển giao trách nhiệm và các vấn đề pháp lý tiềm ẩn.
- Quá trình đấu thầu và thiết kế hợp đồng tiềm ẩn yếu tố phức tạp. Việc xác định các hoạt động của nhà điều hành trong hợp đồng nhượng quyền có thể phức tạp, gây khó khăn trong việc soạn thảo các thỏa thuận toàn diện rõ ràng vai trò và trách nhiệm. Hơn nữa, nhu cầu cho các hợp đồng dài hạn để thu hồi chi phí đầu tư lớn làm tăng tính phức tạp cho quá trình đấu thầu và thiết kế hợp đồng, gây ra nhiều khó khăn trong việc dự đoán các sự kiện trong khoảng thời gian 25 năm.
- Nguy cơ xung đột quan điểm chính trị và khó khăn trong nội bộ tổ chức. Các hợp đồng nhượng quyền, do tính chất dài hạn và toàn diện, có thể gây tranh cãi, bất đồng quan điểm về mặt chính trị và nhiều khó khăn trong việc tổ chức. Điều này đặt ra nhiều khó khăn trong việc duy trì sự hỗ trợ liên tục từ khu vực công, đặc biệt là trong thời gian chuyển giao quyền lãnh đạo trong bộ máy chính trị.
Lợi ích tiềm năng
- Tiềm năng tiết kiệm chi phí. Các nhà thầu khu vực tư nhân, được giao nhiệm vụ giám sát các giai đoạn khác nhau của dự án như thiết kế, xây dựng, bảo trì và vận hành, có động lực để tối ưu hóa chi phí vòng đời cho hiệu quả chi phí dài hạn. Điều này mang lại giá trị cao hơn cho khu vực công vì các nhà cung cấp tư nhân ưu tiên duy trì tiêu chuẩn chất lượng cao, đồng thời giảm thiểu chi phí vòng đời. Điều này có mối liên hệ chặt chẽ với các dự án nhượng quyền vì nhà điều hành có động lực mạnh mẽ để tăng cường hiệu quả vì chi phí thấp hơn sẽ dẫn đến lợi nhuận cao hơn.
- C ác nhà thầu khu vực tư nhân được khuyến khích tạo ra kết quả tối ưu. Các nhà thầu khu vực tư nhân được khuyến khích tạo ra kết quả tối ưu, tìm ra cách đáp ứng và vượt mục tiêu hiệu suất trong các giai đoạn dự án khác nhau. Từ đó giúp nâng cao chất lượng dịch vụ, hoàn thành dự án đúng thời hạn và quản lý hiệu quả tài sản công trong dài hạn, cuối cùng là mang lại lợi ích cho cả khu vực công và người sử dụng cuối. Đặc biệt, mô hình nhượng quyền khuyến khích tăng cường trách nhiệm giải trình về hiệu suất và hiệu quả vì nhà điều hành có động lực để duy trì các tiêu chuẩn cao nhằm đảm bảo cơ sở hạ tầng luôn duy trì hoạt động hiệu quả trong suốt thời gian nhượng quyền.
- Chuyển giao rủi ro từ khu vực công. Trong một dự án nhượng quyền, nhà điều hành khu vực tư nhân chịu trách nhiệm cho tất cả các rủi ro xây dựng và vận hành trong suốt thời gian nhượng quyền. Việc chuyển giao rủi ro chiến lược này không chỉ giảm thiểu gánh nặng tài chính tiềm ẩn cho khu vực công mà còn thúc đẩy ý thức trách nhiệm trong khu vực tư nhân, khuyến khích triển khai các chiến lược quản lý rủi ro chặt chẽ.
- Phương tiện hiệu quả để thu hút nguồn tài chính tư. Nhượng quyền là một cách hiệu quả để thu hút nguồn tài chính tư cần thiết để tài trợ cho việc xây dựng mới hoặc tu tạo các cơ sở hiện có. Bằng cách tận dụng tài chính tư thông qua nhượng quyền, chính phủ có thể phân bổ nguồn lực ngân sách một cách hiệu quả hơn và chuyển hướng đầu tư quỹ công sang các dịch vụ thiết yếu khác.
Nguồn/Thông tin bổ sung
- Ngân hàng Thế giới (WB) (2020). Các dự án nhượng quyền Xây dựng-Vận hành-Chuyển giao (BOT) và Thiết kế-Xây dựng-Vận hành (DBO). Có sẵn tại: https://ppp.worldbank.org/public-private-partnership/agreements/concessions-bots-dbos
- Thomson Reuters (2024). Nhượng quyền. Có sẵn tại: https://content.next.westlaw.com/Glossary/PracticalLaw/I1c635e3fef2811e28578f7ccc38dcbee?transitionType=Default&contextData=(sc.Default)
- Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) (n.d.). Sổ tay quan hệ đối tác công-tư (PPP). Có sẵn tại: https://www.adb.org/sites/default/files/institutional-document/31484/public-private-partnership.pdf
- Quỹ Tư vấn Cơ sở hạ tầng nhà nước – tư nhân (PPIAF) (2008). Liệu các dự án nhượng quyền đối với công trình cải tạo (brownfield) có thể quay trở lại hoạt động không? Có sẵn tại: https://www.ppiaf.org/sites/default/files/documents/2008-01/Gridlines-32-Brownfield_20Concessions_20-_20JLeigland.pdf