Công cụ và số tiền tài trợ
Thu được hơn 150 km2 đất để phát triển thông qua phương thức góp đất
Thông tin chung
Sau khi bang Andhra Pradesh thống nhất tách ra vào tháng 3 năm 2014 thành Andhra Pradesh và Telangana, Hyderabad, thủ phủ cũ, đã trở thành thủ phủ của Telangana. Tiểu bang Andhra Pradesh mới thành lập cần phải chọn một thủ phủ mới. Lựa chọn phương thức tiếp cận mới, chính quyền tiểu bang bắt tay vào quy hoạch và phát triển một thủ phủ mới trên vùng đất chủ yếu là đất nông nghiệp.
Dựa trên mô hình góp đất, trong đó chủ đất đóng góp đất của họ để đổi lấy những lô đất nhỏ hơn nhưng được phát triển trong tương lai, chính phủ đã đưa ra Hệ thống góp đất (LPS). Hệ thống này nhằm mục đích khắc phục những khó khăn thách thức liên quan đến các phương thức thu hồi đất truyền thống, chẳng hạn như cưỡng chế di dời và bồi thường chậm trễ. Được thực hiện từ tháng 1 năm 2015 trở đi, LPS đặt mục tiêu mua lại 38.581 mẫu Anh (156 km2) đất để xây dựng thủ đô mới của Amaravati.
Phương pháp tiếp cận
Theo Chương trình góp đất (LPS), chủ đất được hưởng một số lợi ích khi đóng góp đất đai, bao gồm:
- Nhận lại 50% diện tích đất của họ tại khu vực đã phát triển, tương ứng với diện tích đất họ đã đóng góp.
- Miễn phí cho công đoạn phát triển dựa trên diện tích và vị trí của lô đất đã góp.
- Cải thiện cơ sở hạ tầng ở làng của họ như đường sá, hệ thống cấp nước và thoát nước.
- Các tiện ích xã hội như trường học, bệnh viện và công viên.
Mỗi khu vực trong 26 khu vực góp đất, được phân định theo ranh giới làng, đều có kích thước lô đất cố định. Những lô đất lớn hơn được quy hoạch cho những con đường rộng hơn, trong khi những lô đất nhỏ hơn được quy hoạch cho những con đường hẹp hơn. Cả những lô đất lớn và nhỏ đều có nhiều kích thước khác nhau, mang đến cho chủ đất nhiều lựa chọn để đáp ứng tổng diện tích đất được cấp của họ. Ví dụ, chủ đất có thể chia đất của họ thành một lô đất lớn và nhiều lô đất nhỏ hơn hoặc lựa chọn phân bổ chung bằng cách kết hợp đất của họ với đất của người khác. Thứ tự lựa chọn lô đất trong mỗi khu vực góp đất được xác định thông qua hệ thống bốc thăm giữa các chủ đất. Tất cả chủ đất đều được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu góp đất kèm các quyền chuyển nhượng, được miễn lệ phí đăng ký và có quyền hưởng lợi từ lợi tức vốn.
Bản dự thảo của chương trình đã được phát hành rộng rãi để công chúng xem xét và phản hồi, với thời hạn 30 ngày để đưa ra ý kiến và phản đối. Các quan chức chính phủ đã đến thăm các làng để tham khảo ý kiến người dân về các khía cạnh như thiết kế lô đất, kích thước và vị trí của các lô đất hoàn trả. Chủ đất có thể xem xét các kế hoạch phân lô cho làng của họ và trực tiếp trao đổi với các quan chức để giải quyết mối quan ngại của họ.
Các quan chức chính phủ đã tiếp thu nghiêm túc những phản hồi này và đưa ra những đề xuất để sửa đổi chương trình. Chẳng hạn như người nông dân nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tìm những lô đất cải tạo gần với làng hiện tại của họ.
Kết quả
Chương trình bắt đầu vào năm 2015 với quá trình tham vấn chuyên sâu chủ yếu với những người nông dân tại 24 ngôi làng trong khu vực quy hoạch. Chỉ trong vòng 60 ngày, chính phủ đã nhận được sự đồng ý của 25.000 nông dân tại 22 trong tổng số 24 ngôi làng để đóng góp 30.000 mẫu Anh đất cho thành phố mới.
LPS của Andhra Pradesh đã được các nhà quy hoạch đô thị và hoạch định chính sách trên khắp cả nước tán dương vì cách tiếp cận đổi mới trong việc thu hồi và phát triển đất đai. LPS của Andhra Pradesh đã chứng minh rằng có thể phát triển các dự án quy mô lớn mà không cần phải dùng đến biện pháp cưỡng chế di dời hoặc gây mất lòng chủ đất.
Bài học
Khung pháp lý rõ ràng
Một khung thể chế toàn diện và tập trung đã được thành lập vào tháng 12 năm 2014 để quy hoạch và thực hiện dự án xây dựng thủ đô mới. Nhiều mô hình tập hợp đất đai được áp dụng ở Ấn Độ đã được xem xét và nghiên cứu, bao gồm Gujarat, Chhattisgarh, Mohali (Punjab) và Maharashtra để xây dựng khung pháp lý có cơ chế giải quyết tranh chấp rõ ràng và cơ chế phân bổ lại đất đai. Điều này cực kỳ hiệu quả để đảm bảo chính sách được công bố và thực hiện trơn tru.
Đảm bảo sự tham gia của người dân
Quá trình góp đất đòi hỏi sự hợp tác và chấp thuận của đông đảo người dân, do đó chính phủ bắt buộc phải để người dân tham gia vào quá trình quy hoạch. Tiểu ban dự án đã tiến hành nhiều chuyến thăm thực địa, tham vấn và tìm kiếm ý kiến đóng góp từ những người nông dân trong khu vực khoanh vùng cụ thể để đưa ra khung chính sách giúp giải quyết mối quan ngại của họ. Quá trình tham vấn được xây dựng để mang lại hiệu quả nhằm giải quyết mối quan ngại của chủ đất một cách toàn diện và tổng thể. Ngoài ra, việc công khai các tài liệu và thông báo cũng được đưa vào quy trình ở nhiều giai đoạn khác nhau.
Xử lý tình huống không đạt được thỏa thuận
Do chương trình góp đất là tự nguyện nên có thể phát sinh tình huống mà dù cho đã nỗ lực đảm bảo công bằng, nhưng người dân vẫn có thể chọn không tham gia. Điều này đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách phải luôn có các kế hoạch dự phòng. Trong số 26 ngôi làng nằm trong Andhra, có hai ngôi làng đã từ chối tham gia dự án góp đất. Một giải pháp thay thế là chính quyền tiểu bang đã đề nghị bồi thường theo Đạo luật về quyền được bồi thường công bằng và minh bạch trong việc thu hồi đất, phục hồi và tái định cư (năm 2013). Dân làng cho rằng LPS không đưa ra mức bồi thường công bằng và chỉ trích mức giá đặt ra một cách tùy ý. Sau đó, vào tháng 2 năm 2020, chính quyền tiểu bang đã loại hai ngôi làng này khỏi khu vực thủ phủ Amaravati và sáp nhập hai ngôi làng đó với các thành phố lân cận.
Nguồn/Thông tin bổ sung
- Cơ quan phát triển vùng thủ phủ Andhra Pradesh (2018). Góp đất để phát triển ở Andhra Pradesh. Có sẵn tại: https://crda.ap.gov.in/crda_norifications/NOT07091749/01~Case%20Study%20on%20Land%20Pooling%20Scheme%20@%20Amaravati.pdf#:~:text=As%20the%20largest%20exercise%20of%20its%20kind%20in,33%2C700%20acres%20have%20been%20consolidated%20through%20the%20scheme.
- International Journal Of Engineering Research & Technology (IJERT) (2022). Thực trạng góp đất ở Ấn Độ – Nghiên cứu tình huống ở Amaravati và Magarpatta. Có sẵn tại: https://www.ijert.org/land-pooling-practices-in-india-a-case-study-of-amaravathi-and-magarpatta
- Ngân hàng Phát triển Châu Á (2022). Quá trình góp đất ở khu vực Nam Á. Có sẵn tại: https://www.adb.org/sites/default/files/publication/767671/sawp-088-land-pooling-south-asia-lessons-learned.pdf