Bảo lãnh

Bảo lãnh là cơ chế tăng cường tín dụng cho các công cụ nợ (khoản vay hoặc trái phiếu) trong đó bên bảo lãnh hứa sẽ trả tiền gốc và/hoặc lãi cho bên cho vay theo số tiền đã được bảo lãnh trong trường hợp xảy ra vỡ nợ.

Mô tả

Bảo lãnh là cơ chế tăng cường tín dụng cho các công cụ nợ (khoản vay hoặc trái phiếu). Đây là cam kết bằng hợp đồng của bên bảo lãnh về việc thanh toán gốc và/hoặc lãi cho bên cho vay đối với số tiền được bảo lãnh trong trường hợp xảy ra tình trạng vỡ nợ. Việc cung cấp bảo lãnh là yếu tố quan trọng giúp giảm đáng kể rủi ro đầu tư, cho phép các nhà tài trợ khu vực tư nhân cung cấp vốn cho các dự án quan trọng. Theo các nghiên cứu, tỷ lệ vỡ nợ trong các giao dịch được bảo lãnh tương đối thấp. Điều này cho thấy rằng trong một vài trường hợp, rủi ro cảm nhận cao hơn so với rủi ro thực tế, theo đó, việc cung cấp bảo lãnh có thể giúp cắt giảm chi phí hoàn thành các mục tiêu phát triển cho khu vực công.

Bảo lãnh có thể được áp dụng cho nhiều tình huống khác nhau nhằm giúp bên đi vay nâng cao khả năng tiếp cận vốn. Ví dụ như có nhiều tổ chức phát triển quốc tế cung cấp dịch vụ bảo lãnh tín dụng một phần (PCG) hoặc bảo lãnh rủi ro một phần (PRG). Bảo lãnh tín dụng một phần cung cấp cho các bên cho vay và nhà đầu tư khoản bảo đảm tín dụng toàn diện đối với một phần cụ thể của khoản vay hoặc trái phiếu đã được tổ chức phát triển quốc tế bảo lãnh, trong trường hợp xảy ra tình trạng vỡ nợ. Bảo lãnh rủi ro một phần bảo vệ bên cho vay trong trường hợp bên đi vay không thực hiện nghĩa vụ trả nợ do các sự kiện rủi ro chính trị. Ngoài ra, bảo lãnh còn được áp dụng dưới hình thức các chương trình bảo lãnh tín dụng công (PCGS), được chính phủ sử dụng nhằm tạo điều kiện tiếp cận tài chính cho nhiều mục tiêu khác nhau, bao gồm cả các khoản vay cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Ở đây, chương trình này cung cấp giải pháp giảm thiểu rủi ro tín dụng của bên thứ ba cho các bên cho vay bằng cách gánh chịu một phần tổn thất trong trường hợp xảy ra tình trạng vỡ nợ, và thường sẽ thu một khoản phí.

Điều kiện Cho phép và Mối quan tâm Chính

  • Đề xuất dự án rõ ràng. Bên cho vay và bên bảo lãnh cần phải đánh giá tính khả thi về mặt kỹ thuật và tài chính của dự án trước khi chấp thuận bảo lãnh. Một đề xuất dự án có sự chuẩn bị kỹ lưỡng với mục tiêu, phạm vi và kết quả rõ ràng, đồng thời chứng minh được tính khả thi về mặt tài chính, có thể tăng tính hấp dẫn cho dự án, từ đó năng cao cơ hội nhận bảo lãnh.
  • Mối quan hệ hợp tác hiện tại. Việc đã có một mối quan hệ hợp tác trước đó đóng vai trò quan trọng trong việc tạo dựng niềm tin và hợp tác toàn diện cần thiết để nhận được bảo lãnh. Những lần hợp tác thành công trước đây hoặc các giao dịch tài chính đã thực hiện trước đó sẽ giúp củng cố niềm tin của bên cho vay và/hoặc bên bảo lãnh vào độ đáng tin cậy cũng như năng lực của bên đi vay và điều này có thể rất hữu ích trong quá trình đàm phán.
  • Tính nhất quán trong khuôn khổ pháp lý. Một môi trường pháp lý nhất quán tạo nền tảng vững chắc cho các bên bảo lãnh, bên đi vay và bên cho vay về các nghĩa vụ hợp đồng và cơ chế giải quyết tranh chấp. Nhờ vào khả năng dự đoán này, cả bên bảo lãnh và nhà đầu tư đều cải thiện được hiệu quả đánh giá rủi ro tổng thể, góp phần củng cố niềm tin vào tính khả thi của thỏa thuận bảo lãnh.

Thách thức tiềm ẩn

  • Phức tạp tiềm ẩn trong việc đảm bảo tính nhất quán giữa những kỳ vọng của các bên liên quan. Bảo lãnh làm cho các giao dịch cho vay trở nên phức tạp hơn do có sự tham gia của ít nhất một bên thứ ba. Do đó, việc đảm bảo tính nhất quán giữa các lợi ích và kỳ vọng của nhiều bên tham gia là hết sức quan trọng. Điều này bao gồm việc đảm bảo tính nhất quán về các khía cạnh như tác động dự kiến của thỏa thuận và cách đo lường tác động đó, thỏa thuận về các mức chia sẻ rủi ro, thời gian hoàn tất thỏa thuận và mục tiêu dài hạn chung của mỗi bên.
  • Rủi ro đạo đức. Chương trình bảo lãnh nếu được thiết kế không hợp lý có thể làm tăng nguy cơ rủi ro đạo đức, do một phần rủi ro vỡ nợ đã được chuyển giao cho bên bảo lãnh. Ví dụ, bên đi vay có thể trở nên thiếu cẩn trọng trong việc quản lý dự án hoặc các quyết định tài chính, do họ tin rằng bên bảo lãnh sẽ đứng ra chi trả nếu có xảy ra vỡ nợ. Nếu không kịp thời dự đoán và quản lý những rủi ro này đúng cách, tình trạng vỡ nợ liên tiếp có thể ảnh hưởng đến tài chính của chính quyền địa phương trong tương lai. Nghĩa vụ hợp đồng rõ ràng, khuyến kích đảm bảo tính nhất quán và giám sát hiệu quả có thể giúp ngăn chặn các bên tham gia chấp nhận rủi ro thái quá.

Lợi ích tiềm năng

  • Nâng cao uy tín trả nợ. Bảo lãnh có thể giúp nâng cao uy tín trả nợ của một công cụ nợ, ví dụ như bảo lãnh trái phiếu hoặc bảo lãnh vay vốn. Bảo lãnh khiến các dự án trở nên hấp dẫn hơn đối với bên cho vay thông qua cam kết đảm bảo thực hiện nghĩa vụ trả nợ ngay cả khi gặp phải hoàn cảnh bất lợi. Điều này có thể mang lại các điều khoản tài trợ có lợi hơn, ví dụ như lãi suất thấp hơn hoặc thời gian trả nợ dài hơn.
  • Tạo điều kiện tiếp cận vốn vay từ khu vực tư nhân. Việc có các bảo lãnh trong một dự án có thể thu hút nhiều nhà đầu tư hơn, bao gồm cả các nhà đầu tư từ khu vực tư nhân, những người có thể không tham gia nếu không có thêm sự đảm bảo và cơ chế chia sẻ rủi ro. Điều này sẽ khuyến khích nhà đầu tư rót vốn vào các lĩnh vực mà trước đây họ còn chưa cân nhắc, ví dụ như các dự án xanh hoặc bền vững cho thành phố thông minh.

Nguồn/Thông tin bổ sung

Case Study

Scroll to Top